Khi mua sắm rượu, ngoài nhãn hiệu và loại rượu, còn một yếu tố quan trọng khác mà bạn không thể bỏ qua, chính là chỉ số Proof được in trên nhãn chai. Thuật ngữ này không chỉ đơn thuần là một con số, mà còn là cách thể hiện nồng độ cồn của loại thức uống đó. Hiện nay, cách tính Proof giữa các quốc gia là không giống nhau, gây ra nhiều khó khăn cho người tiêu dùng để hiểu về độ mạnh của rượu. Trong bài viết này, QKAWine sẽ tìm hiểu sâu hơn về khái niệm “Proof trên nhãn chai rượu”, cũng như cách đo lường và vai trò của nó trong ngành công nghiệp rượu.

Proof trên nhãn chai rượu là gì?

Proof là một thuật ngữ quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trên nhãn các chai rượu. Thực tế, Proof là một đơn vị đo lường, dùng để xác định nồng độ cồn Ethanol trong các loại thức uống có cồn. Chỉ số Proof càng cao, chứng tỏ thức uống càng mạnh.

Hệ thống đo lường này chủ yếu được sử dụng ở Hoa Kỳ, trong đó, độ cồn Proof được xác định bằng cách nhân đôi tỷ lệ cồn theo thể tích ABV. Ví dụ, nếu rượu Whiskey có 50% ABV, thì sẽ có độ cồn 100 Proof.

proof trên nhãn chai rượu
Proof là một đơn vị đo lường, dùng để xác định nồng độ cồn Ethanol trong các loại thức uống có cồn

Tại sao nồng độ cồn được đo bằng Proof?

Thuật ngữ Proof bắt nguồn từ nước Anh, vào thế kỷ 16, nơi mà rượu được đánh thuế theo các mức khác nhau, tùy thuộc vào lượng cồn mà nó chứa. Để chính phủ xác định xem rượu có nên bị đánh thuế cao hơn hay không, họ đã nghĩ ra một phương pháp gọi là “thử nghiệm thuốc súng”.

Trong thử nghiệm này, người ta tiến hành ngâm một viên thuốc súng trong rượu, sau đó đốt cháy nó. Nếu thuốc súng bốc cháy, có nghĩa đó là rượu mạnh. Đồng thời, nó có đủ điều kiện để đáp ứng ngưỡng thuế cao hơn. Do đó, được phân loại là rượu “Proof”.

lý do nồng độ cồn được đo bằng proof
Thuật ngữ “Proof” có nguồn gốc từ Anh vào thế kỷ 16

Cách tính Proof theo từng quốc gia

Hiện nay, tùy theo từng quốc gia mà độ cồn Proof sẽ được tính toán theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là ba cách đo lường phổ biến nhất:

  • Tại Hoa Kỳ: Luật pháp Hoa Kỳ quy định độ cồn Proof phải gấp đôi tỷ lệ ABV. Vì vậy, nếu một chai rượu chứa 60% ABV, thì tương đương với 120 Proof.
  • Ở Pháp: Tại đây, người ta sử dụng thang đo Gay-Lussac do nhà khoa học Pháp Joseph-Louis Gay Lussac sáng tạo vào năm 1824, với đơn vị đo là “Độ GL”. Bên cạnh đó, Pháp quy định Proof về nồng độ cồn chính xác bằng với tỷ lệ phần trăm ABV. Chính vì vậy, nếu rượu chứa 60% ABV, thì tương đương với 60 Proof (hoặc 60 độ GL).
  • Quốc tế: Đa số các quốc gia trên thế giới, trong đó điển hình là Vương quốc Anh, rất ưa chuộng sử dụng thang đo Châu Âu do International Organization of Legal Metrology (OIML) phát triển. Về cơ bản, phương pháp này hay còn gọi là tiêu chuẩn ABV, tương tự với thang đo Gay-Lussac, tuy nhiên, điểm khác duy nhất là nó không cần chuyển đổi sang đơn vị Proof. Do đó, rượu có 60% cồn sẽ được ghi nhãn là 60% ABV.

Tóm lại, chỉ số “Proof” trên nhãn chai rượu không chỉ cung cấp thông tin về nồng độ cồn, mà còn phản ánh phương pháp đo lường đa dạng của từng quốc gia. Bên cạnh đó, nó cũng là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm thưởng thức rượu. QKAWine hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm thật nhiều kiến thức hữu ích, giúp việc mua sắm và lựa chọn rượu trở nên dễ dàng và chính xác hơn.